Thần Lương Hằng Ngày

Tuần XXIII Thường Niên

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,

Nếu trong bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXI Thường Niên Năm A, 

Chúa Giêsu đã trao riêng cho Vị Tông đồ Phêrô Chìa khóa Nước Trời kèm theo quyền cầm buộc và tháo cởi thế nào,

một tối thượng quyền cũng được thực hiển bởi các vị Giáo hoàng thừa kế ngài trong giòng lịch sử của Giáo Hội,

như trong trường hợp các vị Giáo hoàng tuyên bố tín điều (cầm buộc), chẳng hạn 2 tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm (1854) và Đức Mẹ Mông Triệu (1950), 

và tha vạ tuyệt thông (tháo cởi) v.v.


image.png

thì trong bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXIII Thường Niên Năm A ngày mùng 10/9/2023,

Đấng thiết lập Giáo Hội của Người trên nền tảng Phêrô cũng trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho toàn bộ Tông đồ đoàn nữa,

như Công Đồng Chung, bao gồm toàn bộ hàng giáo phẩm, tuyên bố tín điều, bởi chính vị Giáo hoàng chủ sự: tín điều Giáo hoàng vô ngộ (1870).

Theo chiều hướng chung của PVLC Chúa Nhật XXIII Năm A thì, từng vị tông đố hay từng vị trong hàng giáo phẩm kế vị các tông đồ, 

cần phải đóng vai trò làm Người Lính Canh Mục Tử, để bảo vệ đoàn chiên của mình "cho khỏi sự dữ" là những sai lầm và vấp phạm tác hại đến đàn chiên,

một vai trò như người đàn bà (ám chỉ Giáo Hội) thắp đèn (Lời Chúa) trong đêm tối tăm (sự dữ) để tìm cho bằng được đồng tiền quí báu bị thất lạc (Luca 15:8).


image.png


Với tâm tình tri ân cảm tạ LTXC đã yêu thương gìn giữ Kitô hữu chúng ta cho khỏi sự dữ trong lòng Mẹ Thánh Giáo Hội,

cùng nguyện cầu cho nhau biết đáp ứng như Câu Đáp Ca: "Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: 'Các ngươi đừng cứng lòng'",

chúng ta hãy tiếp tục chiêm ngắm và cảm nghiệm toàn bộ PVLC Tuần XXIII Thường Niên ở những đường links sau đây:


 


Suy nghiệm Lời Chúa 

"Lính canh nhà Israel"

 "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó" - có thể nói đây là đề tài chính cho phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXIII Thường Niên Năm A hôm nay. Nghĩa là phụng vụ lời Chúa hôm nay bao gồm 2 vế: vế phạm nhân "sai lỗi" và vế thẩm quyền "sửa dạy" phạm nhân.

Trước hết, về phía phạm nhân là những ai "lỗi phạm". Trong khi trong Bài Phúc Âm Chúa Giêsu không hề nói đến "lỗi phạm" điều gì hay "lỗi phạm" ra sao hoặc "lỗi phạm" thế nào, mà chỉ nói trống "lỗi phạm" thế thôi.

Thế nhưng, trong Bài Đọc 2, Vị Tông Đồ Phaolô đã nói rõ về những gì phạm nhân có thể "lỗi phạm" mà ngài thấy cần phải liệt kê rõ ở dưới dạng khuyên răn như sau: "Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham".

Chính vì "lỗi phạm" đến 5 điều căn bản và chính yếu ấy là lỗi phạm đến lề luật của Chúa, một lề luật lại liên quan đến tha nhân, liên quan đến đức bác ái yêu thương mà thánh nhân đã khẳng định rằng: "ai yêu người là đã giữ trọn lề luật... yêu thương là chu toàn cả lề luật".

Sau nữa, về phía thẩm quyền "sửa dạy" phạm nhân. Theo lời Chúa Giêsu trong Bài Phúc Âm "phán cùng các môn đệ" thì họ là các vị thuộc hàng giáo phẩm có quyền quản trị, giảng dạy và thánh hóa đàn chiên của mình.

Các vị có thẩm quyền "sửa dạy" phạm nhân, và việc "sửa dạy" phạm nhân của các vị là điều bắt buộc theo trách nhiệm giảng dạy của các vị mà các vị không thể nào tránh né vì sợ sệt hay nể nang, sợ bị chính chiên ghét bỏ, bị mất cảm tình với chiên mà bỏ qua không dám làm. Bằng không, các vị sẽ phải chịu trách nhiệm của mình, đúng như lời Chúa cảnh báo các vị qua môi miệng của Tiên Tri Êzêkiên trong Bài Đọc I hôm nay:

"Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: 'Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết'; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi".

Thẩm quyền của thành phần lãnh đạo dân của Chúa, nhất là dân Tân Ước như các vị tông đồ trong Bài Phúc Âm hôm nay, thành phần sẽ thay Người và cùng với Người dẫn dắt đàn chiên của Người và được Người trao phó cho, có một tầm vóc vĩ đại và trọng đại đến độ, như Chúa Kitô đã khẳng định trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ". Điển hình là một khi bị Giáo Hội tuyệt thông thì linh hồn phạm nhân sẽ nguy hiểm đến phần rỗi nếu họ không sớm được Giáo Hội giải cho trước khi qua đời.

Hay một khi Giáo Hội, qua thẩm quyền vô ngộ của Giáo Hoàng (căn cứ vào câu Phúc Âm của Thánh ký Mathêu 16:19) hay qua Công Đồng Chung (căn cứ vào câu Phúc Âm của Thánh ký Mathêu vừa được trích dẫn) tuyên bố một tín điều nào, liên quan đến Mẹ Maria (như Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội bởi Đức Giáo Hoàng Piô IX ngày 8/12/1854 và Mẹ Mông Triệu bởi Đức Giáo Hoàng Piô XII ngày 1/11/1950), hoặc đến chính thẩm quyền tối thượng của Giáo Hoàng (bởi Công Đồng Chung Vaticanô I năm 1870), thì buộc tất cả mọi con cái của Giáo Hội phải tin tưởng chấp nhận, bằng không sẽ trở thành rối đạo, lạc đạo, tuyệt thông, rất nguy hiểm đến phần rỗi đời đời của phạm nhân, vì "trên trời cũng cầm buộc" như vậy.

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là phải làm thế nào để thẩm quyền giảng dạy của thành phần "lính canh nhà Israel" này, ám chỉ cả thẩm quyền quản trị của Giáo Hội Chúa Kitô đây, có thể "sửa dạy" một cách khôn khéo nhất, để nhờ đó, mang lại hiệu quả tốt đẹp nơi phạm nhân thuộc thẩm quyền giảng dạy của mình?

Chính Chúa Kitô, trong Bài Phúc Âm hôm nay, đã chỉ dạy những ai lãnh đạo Giáo Hội của Người, những vị thừa kế các tông đồ được Người nói với trong Bài Phúc Âm cách thức thực hiện theo tiến trình từ kín đáo đến công khai, từ nhẹ nhàng theo tình bác ái yêu thương đến quyết liệt theo chính lý công minh, như sau:

"Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế".

Thực tế cho thấy Giáo Hội đã từng áp dụng đường lối "sửa dạy" này đối với các phần tử "sai lỗi" của mình, nhất là từ sau Công Đồng Chung Vaticano II (1962-1965). Ở chỗ, chẳng hạn, một vị giáo sư nào giảng dạy trong đại học mang danh là Công giáo chính thức của Giáo Hội và trong Giáo Hội, thường là các vị linh mục, được tiếng là thần học gia, có những chủ trương thiên lệch, phản lại với huấn quyền của Giáo Hội, điển hình như về luân lý đối với vấn đề ngừa thai hay phá thai, qua sách vở của các vị, thì vị bản quyền địa phương hay bề trên của vị này cần phải thực hiện tiến trình "sửa dạy" ba bước theo lời Chúa dạy như sau:

Trước hết, "riêng ngươi và nó thôi", nghĩa là mời vị linh mục hay tác giả "sai lỗi" ấy đến nói chuyện riêng. Sau đó, nếu vị ấy vẫn không nghe, vẫn cho mình là đúng, thì đấng bản quyền địa phương hay bề trên mời thêm các chuyên gia về cùng vấn đề được đặt ra trong giáo phận hay trong dòng của mình đến "hãy đem theo một hoặc hai người nữa", để cùng nhau nhận định, hầu tránh tính cách chủ quan hay thiên kiến hoặc ác cảm có thể có nơi vị có thẩm quyền "sửa dạy".

Nếu cá nhân "sai lỗi" vẫn bất chấp cả một hội đồng chứng nhân trong dòng hay trong giáo phận của mình thì Đấng bản quyền hay bề trên của vị này trình lên thẩm quyền tối hậu là Tòa Thánh: "hãy trình với cộng đoàn". Để rồi, cuối cùng cá nhân "sai lỗi" ấy vẫn cứ bất chấp cả Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin của Tòa Thánh thì Tòa Thánh đành phải bất đắc dĩ công khai và chính thức ban hành một văn thư cấm vị này không được giảng dạy trong các đại học Công giáo, và tác phẩm của vị ấy không ai được đọc nữa: "hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế".

Phần phạm nhân "sai lỗi", nếu vì lòng ngay và nhận ra lầm lỗi của mình, nhờ đường lối "sửa dạy" khôn ngoan Giáo Hội thực hiện chỉ vì phần rỗi của mình nói riêng và cho công ích của Nhiệm Thể Chúa Kitô nói chung, sẽ không cố chấp đến độ coi cá nhân mình hơn đoàn thể Giáo Hội, coi bản thân hữu hạn của mình trên thẩm quyền bao gồm của Giáo Hội. Bởi vì, Thiên Chúa chỉ ở với đoàn thể hơn là cá nhân, chỉ ngự giữa tình đoàn kết và bác ái yêu thương hơn là những nơi tự phụ và chia rẽ, như chính Chúa Kitô khẳng định ở cuối bài Phúc Âm hôm nay:

 "Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy". Ở đây, Chúa Giêsu dường như muốn khẳng định tính chất bất khả ngộ của cộng đồng Giáo Hội được Người thiết lập là vì, chính Người "là đường, là sự thật và là sự sống" (Gioan 14:6), với tư cách là vị mục tử tối cao, luôn "ở cùng các con" là các vị chủ chăn đại diện Người, "cho đến tận thế" (Mathêu 28:10).

Đó là lý do, qua câu đáp chính của Bài Đáp Ca hôm nay, Giáo Hội đã kêu gọi con cái mình nói chung, nhất là những đứa con "sai lỗi" được Giáo Hội sử dụng thẩm quyền quản trị, giảng dạy và thánh hóa của mình để mà "sửa dạy", cho lợi ích chung của Giáo Hội cũng như cho phần rỗi của cá nhân "sai lỗi", hãy ngoan ngoãn trung thành với Thiên Chúa qua thẩm quyền được Ngài trao phó trên trần gian này: "Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: 'Các ngươi đừng cứng lòng'".